Tại Việt Nam thanh long là loại quả khá quen thuộc với mọi người, nhưng trên thế giới thanh long được biết tới là “siêu trái cây” nhiều lợi ích tốt cho sức khoẻ được nhiều người “săn lùng”.
Theo BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Trưởng đơn vị Điều trị Ban ngày (Bệnh viện Đại học Y Dược – Cơ sở 3), trong Đông y quả thanh long vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, chỉ khái, hóa đàm. Hoa thanh long tác dụng bổ phế, trừ ho.
Thanh long đỏ vị ngọt hơn, thanh hơn quả ruột trắng. Thanh long ruột đỏ nhiều chất chống oxy hoá với hàm lượng anthocyanin và vitamin C, carotene. Thanh long đỏ còn là nguồn phẩm màu cho sản xuất nhiều loại thực phẩm, dược phẩm.
Thanh long ruột trắng nhiều nước và ít ngọt hơn đỏ. Vì vậy, với người bệnh tiểu đường, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo nên ăn thanh long ruột trắng, giảm nguy cơ đường huyết tăng cao hơn so với ruột đỏ.
Thanh long ruột trắng tác dụng thanh nhiệt, giải độc, ít năng lượng phù hợp với người ăn kiêng. Giá thành của thanh long ruột trắng rẻ hơn so với thanh long ruột đỏ.
Giá trị dinh dưỡng của thanh long ruột đỏ và ruột trắng về cơ bản không khác nhiều, cả hai đều tốt cho sức khoẻ. Hai loại thanh long đều có chất chống oxy hoá (polyphenol, carotenoid, vitamin C,…) giúp ngăn ngừa ung thư, các bệnh mạn tính, tăng khả năng miễn dịch.
Thanh long là loại quả giàu chất xơ giúp hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hoá, ngăn ngừa táo bón, hội chứng ruột kích thích. Loại quả này có thể giúp cân bằng vi khuẩn lành mạnh trong ruột.
“Thanh long là một trong số ít loại trái cây tự nhiên chứa sắt, cung cấp 8% lượng tiêu thụ sắt cần thiết hàng ngày trên mỗi khẩu phần (RDI). Bổ sung thanh long trong chế độ ăn giúp ngăn ngừa tình trạng thiếu máu, tăng lưu thông máu cho cơ thể. Vitamin C cũng có trong thanh long để hỗ trợ cơ thể hấp thụ chất sắt tốt hơn cho quá trình tạo máu”, bác sĩ Vũ nói.
Những điều cần chú ý khi ăn thanh long:
– Liều lượng khuyên dùng thanh long cho bệnh nhân tiểu đường là hai phần một ngày với mỗi phần khoảng 120gr.
– Những người thường bị lạnh bụng, đại tiện phân lỏng, đầy bụng, thì không nên ăn thanh long.
– Phụ nữ không nên ăn thanh long trong chu kỳ kinh nguyệt.
– Thanh long chứa nhiều đạm thực vật, phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.
– Đối với thanh long ruột đỏ thì không nên ăn quá nhiều vì sẽ khiến cho phân và nước tiểu có màu đỏ sẫm.
Bác sĩ Vũ cho rằng, nhìn chung thanh long an toàn cho sức khoẻ, là loại quả ngon, hương vị thanh mát, tùy vào sở thích và khẩu vị, mục đích mà bạn lựa chọn loại thanh long để ăn.
Loan Phạm
Bổ ích
Xúc động
Sáng tạo
Độc đáo
Phẫn nộ